Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Lao động – Xã hội lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020 - 2025

Tin tức - Sự kiện-Tin tức - Sự kiện chung

Chung khảo Hội thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng và Thi tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019
(14/11/2019)
           Tối ngày 13/11/2019 tại hội trường E701, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Lao động – Xã hội đã tổ chức vòng chung khảo “Hội thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng và Thi tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019” với sự tham gia của 6 đội đến từ các Liên chi đoàn: Quản lý lao động, Công tác xã hội, Kế toán, Bảo hiểm, Luật và Quản trị kinh doanh. Đoàn Trường Đại học Lao động - Xã hội đã phát động cuộc thi dành cho liên chi đoàn của các khoa trong Nhà trường trong suốt tháng 10 năm 2019.
Cuộc thi là một hoạt động nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật trong Trường, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giảng viên, sinh viên nâng cao trình độ, kịp thời nắm bắt các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 nhằm tuyên truyền 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2019) theo Hướng dẫn số 90-HD/BTGTW ngày 10/4/2019 của Ban Tuyên giáo Trung ương và kỷ niệm những ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng trong năm 2019, đồng thời góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. 
Đảng và Nhà nước ta coi tham nhũng là một “quốc nạn” và công cuộc phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Mọi công dân đều có trách nhiệm tham gia để ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ tệ nạn tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội. Nhận biết được tầm quan trọng vai trò của mình trong “vấn đề nóng” này, sinh viên trường Đại học Lao động – Xã hội đã trang bị cho mình những kiến thức nhất định về vấn đề phòng, chống tham nhũng, để từ đó có thái độ thẳng thắn và đấu tranh kiên quyết với mọi biểu hiện tiêu cực trước tiên là trong Nhà trường. Bên cạnh đó, tổ chức thi Tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là mong muốn sinh viên hiểu sâu, hiểu rõ những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thế hệ trẻ; những bài học về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nội dung cơ bản trong “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh;  tác phẩm “Dân vận” và tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”; Tư tưởng Hồ Chí Minh với biển, đảo Việt Nam; Những nội dung cơ bản của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Những thành tựu, kết quả đạt được trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là trong 33 năm đổi mới (1986-2019), những chủ trương lớn trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Hội thi gồm 3 phần:
- Phần thi Rung chuông vàng với 60 sinh viên với chủ đề Tìm hiểu luật Phòng, chống tham nhũng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; góp phần giúp sinh viên nói lên sự hiểu biết của mình Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Người coi tham ô, lãng phí là tội lỗi như việt gian bán nước. Theo Bác bất cứ hành vi lấy “của công” làm “của tư” nào cũng đều là hành vi tham ô. Đây chính là hành vi tham ô hiểu theo nghĩa rộng. Theo nghĩa này, chủ thể của hành vi tham ô không chỉ là cán bộ, công chức - những người nắm chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước. Người dân bình thường, nếu “ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế” cũng là chủ thể của hành vi tham ô. Ban giám khảo thật bất ngờ trước những kiến thức sâu rộng, sự tự tin và khả năng nắm bắt kịp thời tình hình thời sự và thời cuộc của các em.
- Phần thi tài năng qua các tiểu phẩm hết sức truyền cảm, lôi cuốn và thuyết phục Ban giám khảo cũng như khán giả. Câu chuyện đã để lại trong lòng mỗi chúng ta một bài học sâu sắc trong tâm hồn mỗi con người tại cuộc thi. Sinh viên trường ta lại một lần nữa khẳng định mình thông qua những màn kịch ngắn được chuẩn bị công phu về nội dung, trang phục và đạo cụ. Những tiếng reo hò làm cho hội trường nóng lên và có cả những giọt nước mắt cảm động trong những hoạt cảnh của vở kịch, sự sáng tạo và dí dỏm của tuổi trẻ, các tiểu phẩm kịch đã tái hiện phần nào vấn đề về tham nhũng trong xã hội hiện nay, qua đó có những bài học rút ra từ những hệ luỵ của vấn đề tham nhũng làm cho các bạn hiểu hơn để từ đó có những hành động đúng trong học tập và trong công việc sau này.
- Phần thi văn nghệ lần này có sự tham gia của 6 tiết mục văn nghệ được lựa chọn từ các Liên chi đoàn trong các Khoa. Các tiết mục được dàn dựng công phu, phong phú về hình thức, ý nghĩa, nội dung, sáng tạo, đầy tính nghệ thuật. Đồng thời thể hiện sự nỗ lực hết mình tham gia nhiệt tình của Liên chi đoàn Khoa đối với các hoạt động chung của Trường. Các tiết mục giúp mỗi sinh viên tại cuộc thi nhận ra rằng mình phải không ngừng cố gắng hơn nữa trau dồi đạo đức, tích cực học tập nâng cao trình độ để trở thành người có đức, có tài, vừa hồng, vừa chuyên, góp sức vào sự nghiệp xây dựng nước nhà ngày một phát triển.
Kết quả cuộc thi cụ thể như sau:
- Giải Nhất thuộc về Liên chi đoàn khoa Luật;
- Giải Nhì thuộc về Liên chi đoàn khoa Công tác xã hội, khoa Quản lý nguồn nhân lực;
- Giải Ba thuộc về Liên chi đoàn Khoa Bảo hiểm, Khoa Kế toán và Khoa Quản trị kinh doanh.
Thông qua Hội thi đã phần nào giúp sinh viên Trường Đại học Lao động – Xã hội nhận thức đấu tranh phòng, chống tham nhũng là việc làm cấp bách đồng thời cũng là một quá trình lâu dài. Với quyết tâm của Đảng, Nhà nước và toàn quân, toàn dân ta được soi rọi bởi tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta có quyền hy vọng vào những biến chuyển trong thời gian tới để từ đó chung tay góp phần đẩy lùi nạn tham nhũng trong đời sống xã hội./.
 

 

Một số hình ảnh cuộc thi
 
 
 
 
 
 
 

 

Tin khác

Số người truy cập: 29863776

Trường đại học lao động xã hội

43 Trần Duy Hưng - Trung Hòa - Cầu Giấy - Hà Nội - ĐT :043.5564584 - Fax:043.5564584 In trang này

Giấy phép thiết lập Website trên Internet số 348/GP-BC ngày 23/11/2006 của Cục Báo Chí - Bộ Văn Hóa - Thông Tin.