Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Lao động – Xã hội lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020 - 2025

Các phòng-Phòng khoa học

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chương trình giảm nghèo
(07/03/2014)

Chiều ngày 3/3/2014 tại Trường Đại học Lao động - Xã hội đã diễn ra Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chương trình giảm nghèo. Tham dự Hội thảo có TS. Bùi Tôn Hiến, Phó hiệu trưởng Nhà trường và hơn 30 giảng viên và sinh viên của Trường. Hội thảo còn vui mừng được đón một số cựu học viên của Học viện Quản lý Châu Á (AIM) đến từ các nước Malaysia và Indonesia.

Hội thảo đã lắng nghe ông Anwar Chowdhury, Giám đốc Tài chính của Dự án giảm nghèo cùng cực của Bangladesh chia sẻ về Chương trình tăng cường quyền năng kinh tế cho những người nghèo nhất ở Bangladesh (EEP/shiree). Đây là chương trình hợp tác giữa Chính phủ Bangladesh và Cơ quan Phát triển Quốc tế của Anh (DFID) và Cơ quan Hợp tác Phát triển của Thuỵ Sỹ (SCD) từ 2007 - 2015. Tổng kinh phí ban đầu của dự án là 65 triệu Bảng Anh. Đến 9/2013, kinh phí được điều chỉnh lên thành 83.531 triệu Bảng. Dự án được thực hiện tại 30 huyện và đối tượng thụ hưởng dự án là 309.629 hộ gia đình (khoảng trên một triệu người).

Nghèo cùng cực ở Bangladesh được xác định là những gia đình có mức thu nhập thấp, khoảng từ 42-45 taka/người/ngày, thiếu việc làm, thiếu ăn, không có nơi ở an toàn, tỉ lệ biết chữ thấp, không được tiếp cận nguồn tài chính vi mô, không được bao phủ bởi lưới an sinh, ít tham gia vào các quyết định của cộng đồng. Người già, người khuyết tật và người dân tộc thiểu số là những nhóm chiếm tỉ lệ cao nhất trong số những người nghèo cùng cực. 40% hộ có phụ nữ làm chủ hộ là gia đình nghèo cùng cực so với tỷ lệ bình quân trên toàn quốc là 10%. Hiện nay ở Bangladesh có khoảng 17,6% người nghèo cùng cực hay nói cách khác Bangladesh có 28 triệu người sống ở mức nghèo cùng cực.

          Dự án bao gồm nhiều hợp phần khác nhau như: truyền thông, nghiên cứu, chia sẻ bài học kinh nghiệm và cung cấp dinh dưỡng trực tiếp cho các bà mẹ, trẻ em, em gái vị thành niên và các thành viên thuộc các gia đình nghèo cùng cực. Dự án đã xây dựng hệ thống thu thập thông tin, phân tích dự liệu, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động của dự án cũng như tác động của dự án đối với quá trình thoát nghèo cùng cực của các gia đình. Các công cụ giám sát và quản lý dự án được thiết kế bài bản theo từng bước cụ thể và có bảng kiểm để làm căn cứ đánh giá mức độ thoát nghèo của các gia đình.

Ngoài ra, dự án đã thiết lập mạng lưới hợp tác với nhiều tổ chức phi chính phủ để triển khai các hoạt động của dự án.

          Phát biểu tại Hội thảo, TS. Bùi Tôn Hiến đã chia sẻ với các vị khách quốc tế và các đại biểu một số thành tựu của Việt Nam trong xoá đói giảm nghèo. Đồng thời, TS. Hiến đánh giá cao kinh nghiệm của Bangladesh đặc biệt trong việc thiết kế các bước đi cụ thể để hỗ trợ những gia đình cực nghèo cũng như hệ thống giám sát sử dụng công nghệ hiện đại để đánh giá sự thay đổi và thoát nghèo của các gia đình này.

 

Tin khác

Số người truy cập: 27531852

Trường đại học lao động xã hội

43 Trần Duy Hưng - Trung Hòa - Cầu Giấy - Hà Nội - ĐT :043.5564584 - Fax:043.5564584 In trang này

Giấy phép thiết lập Website trên Internet số 348/GP-BC ngày 23/11/2006 của Cục Báo Chí - Bộ Văn Hóa - Thông Tin.