Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Lao động – Xã hội lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020 - 2025

Nghiên cứu khoa học-Sinh viên

Những nội dung chủ yếu của Luật Bảo hiểm xã hội số 58 năm 2014
(05/05/2015)
NHỮNG NỘI DUNG MỚI CHỦ YẾU CỦA LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI SỐ 58/2014/QH13 NĂM 2014 VÀ KIẾN NGHỊ MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRONG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
 
Sinh viên: Nguyễn Văn Nhật
Lớp Đ7BH5- Trường Đại học Lao động – Xã hội
 
Ngày 20/11/2014, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) số 58/2014/QH13, thay thế Luật BHXH số 71/2006/QH11 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Luật BHXH số 58/2014/QH13, so với Luật BHXH số 71/2006/QH11 có một số nội dung mới, gồm: Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm; hoàn thiện các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội; đảm bảo sự bình đẳng trong tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động ở các thành phần kinh tế; đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng, sự bền vững của hệ thống BHXH; tổ chức thực hiện minh bạch, đơn giản, thuận tiện hơn. Cụ thể như sau:
1. Những nội dung mới sửa đổi, bổ sung:
Về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc 
Bổ sung thêm 03 nhóm đối tượng, đó là:  (1) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 3 tháng; (2) Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; (3) Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo quy định.
Một số điểm mới về chế độ, chính sách BHXH bắt buộc 
- Đối với chế độ ốm đau, thai sản: (1) Sửa đổi quy định mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 24 ngày (quy định hiện hành là chia 26 ngày). (2) Sửa đổi mức hưởng chế độ ốm đau dài ngày với mức thấp hơn sau nghỉ ốm vượt quá 180 ngày đối với người lao động không phải là quân nhân, công an nhân dân, thấp nhất là 50% (quy định hiện hành là 45%). (3) Sửa đổi quy định mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở (quy định hiện hành chia 2 mức là 25% và 40%). (4) Điều chỉnh thời gian nghỉ chế độ khi sinh con (chung cho các đối tượng) là 6 tháng theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012. (5) Bổ sung, lao động nam được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con. (6) Bổ sung chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ. (7) Sửa đổi quy định trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con đối với trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH (quy định hiện hành, nếu mẹ chết, cha mới được hưởng). 
- Đối với chế độ hưu trí: (1) Bổ sung lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở cấp xã khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu.   (2)  Thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động nhưng không phải là quân nhân, công an nhân dân bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, cụ thể: Từ 01/01/2016: Nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi, sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi; từ 2020 trở đi: Nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi (quy định hiện hành là nam 50 tuổi, nữ 45 tuổi). (3) Quy định thực hiện lộ trình tăng dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa tiến tới người lao động có thời gian đóng BHXH đủ 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam thì đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%. Cụ thể: Từ 01/01/2018, lao động nam nghỉ hưu thì mức lương hưu được tính bằng 45% khi có 16 năm đóng BHXH; năm 2019 là 17 năm đóng BHXH; năm 2020 là 18 năm đóng BHXH; năm 2021 là 19 năm đóng BHXH, từ 2022 trở đi là 20 năm đóng BHXH (quy định hiện hành là đủ 15 năm đóng BHXH được hưởng bằng 45%); đối với lao động nữ: Từ năm 2018 trở đi, khi nghỉ hưu, có thời gian 15 năm đóng BHXH, được hưởng tỷ lệ bằng 45%, sau đó thêm mỗi năm (cả nam và nữ) tăng thêm 2% (quy định hiện hành nữ là 3%), tối đa không quá 75%. (4) Tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. (5) Tăng mức trợ cấp BHXH một lần đối với người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp BHXH một lần, tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi được hưởng bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, đối với những năm đóng BHXH trước năm 2014, mức hưởng bằng 1,5 tháng lương bình quân (quy định hiện hành, tất cả các năm đóng BHXH đều hưởng mức trợ cấp bằng 1,5 tháng lương bình quân). (6) Quy định lộ trình tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, tiến tới tính bình quân toàn bộ thời gian đóng BHXH đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, cụ thể: Người có thời gian bắt đầu tham gia BHXH trước năm 1995 thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu là 5 năm cuối; từ 01/01/1995 - 31/12/2000 là 6 năm cuối; từ 01/01/2001 - 31/12/2006 là 8 năm cuối; từ 01/01/2007 - 31/12/2015 là 10 năm cuối; từ 01/01/2016 - 31/12/2019 là 15 năm cuối; từ 01/01/2020 - 31/12/2024 là 20 năm cuối; từ 01/01/2025 trở đi, tính bình quân toàn bộ quá trình đóng BHXH.
- Đối với chế độ tử tuất: Bổ sung quy định cho phép thân nhân người lao động thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng được lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần (trừ trường hợp có con dưới 6 tuổi; con hoặc vợ hoặc chồng suy giảm khả năng lao động 81% trở lên).
Ngoài ra, Luật BHXH mới còn sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến quyền đối với người lao động; trách nhiệm của người sử dụng lao động; các quyền đối với tổ chức BHXH; trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm xã hội… Hiện nay, các Bộ, ngành liên quan đang tích cực xây dựng các Nghị định của Chính phủ để hướng dẫn thực hiện Luật nêu trên.
     2. Kiến nghị một số giải pháp trong triển khai thực hiện
          Để triển khai thực hiện tốt Luật BHXH sửa đổi, bổ sung, xin kiến nghị, đề xuất một số giải pháp như sau:
1. Đề nghị Chính phủ và liên Bộ sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định và hướng dẫn Luật BHXH sửa đổi, bổ sung để triển khai thực hiện.
          2. Sau khi các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, các Bộ, ngành chức năng cần kịp thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho các cấp, nhất là những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung của Luật BHXH.
          3. Các cấp, các ngành cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn các nội dung của Luật BHXH sửa đổi, bổ sung và các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
          4. Đối với các đối tượng được thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH cần nghiên cứu nắm chắc các quy định, hướng dẫn về đối tượng; chế độ, chính sách; hồ sơ, thủ tục, quy trình thực hiện.
          5. Quá trình triển khai thực hiện, các cấp, các ngành cần thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, đôn đốc; tổ chức sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện./.
 

Số người truy cập: 27072601

Trường đại học lao động xã hội

43 Trần Duy Hưng - Trung Hòa - Cầu Giấy - Hà Nội - ĐT :043.5564584 - Fax:043.5564584 In trang này

Giấy phép thiết lập Website trên Internet số 348/GP-BC ngày 23/11/2006 của Cục Báo Chí - Bộ Văn Hóa - Thông Tin.