Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Lao động – Xã hội lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020 - 2025

Nghiên cứu khoa học-Sinh viên

Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện khu vực phi chính thức
(09/04/2015)
CHÍNH SÁCH BHXH TỰ NGUYỆNKHU VỰC PHI CHÍNH THỨC
 
An sinh xã hội được coi là một trong những nền tảng cho sự phát triển vững chắc của kinh tế và ổn định xã hội. Trong đó BHXH là một trụ cột trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của nước ta, BHXH đã trở thành công cụ giúp nhà nước điều tiết xã hội trong nền kinh tế thị trường một cách hiệu quả, giúp gắn kết phát triển kinh tế với thực hiện công bằng, tiến bộ và phát triển xã hội bền vững. Với mong muốn đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người nông dân và lao động tự do BHXH tự nguyện đã ra đời và bắt đầu thực hiện từ năm 2008. Có thể nói Bảo hiểm xã hội tự nguyện được kỳ vọng là chỗ dựa cho người thu nhập thấp, đem đến cơ hội hưởng “lương hưu” cho hàng chục triệu người không nằm trong diện BH bắt buộc. Trải qua quá trình thực hiện BHXH tự nguyện càng chứng tỏ đây là chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước. Mục tiêu thực hiện việc mở rộng độ bao phủ và nâng cao hiệu quả của chính sách BHXH tự nguyện ở Việt Nam chính là phát huy đầy đủ vai trò trụ cột của BHXH, góp phần quan trọng không chỉ cho sự phát triển kinh tế mà còn nhằm mục tiêu ổn định xã hội và an sinh cho mọi người dân.
Nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã và đang đạt được những kết quả khả quan đáng ghi nhận. Việc mở rộng đối tượng bảo hiểm xa hội là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn và đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Có thể nói, việc xây dựng chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện là rất cần thiết, nhằm áp dụng cho đối tượng không thuộc diện làm công ăn lương, không được bảo vệ bởi bảo hiểm xã hội bắt buộc, những đối tượng làm nghề tự do, những người nông dân, ... mà trong nền kinh tế thị trường của chúng ta hiện nay, đối tượng này rất rộng lớn.
Điều này đã được Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 khẳng định quan điểm chỉ đạo: “Hệ thống an sinh xã hội phải đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ; bảo đảm bền vững, công bằng” và đặt mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH; 35% lực lượng lao động tham gia BHTN”. Nghị quyết số 21- NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020 tiếp tục khẳng định và đặt ra mục tiêu “Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, BHYT; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện…”.
Khái niệm khu vực phi chính thức được thông qua tại Hội nghị Quốc tế các nhà Thống kê lao động (ICLS) lần thứ 15 như sau: Khu vực phi chính thức mang những nét đặc trưng chủ yếu của những đơn vị tham gia vào quá trình sản xuất ra sản phẩm hàng hóa và dịch vụ với mục tiêu ban đầu là tạo ra việc làm và thu nhập cho những người có liên quan. Những đơn vị này thường được tổ chức hoạt động ở mức thấp, sản xuất kinh doanh ở quy mô nhỏ, với không hoặc rất ít sự phân chia giữa lao động và vốn là các yếu tố đầu vào của sản xuất. Các mối liên hệ việc làm - nếu có - chủ yếu dựa trên sự tình cờ, quan hệ họ hàng hoặc quan hệ cá nhân, sự quen biết hơn là dựa trên các thỏa thuận hợp đồng với sự bảo đảm chính thức. Như vậy chúng ta có thể hiểu khu vực phi chính thức là khu vực tự làm, lao động tự do hành nghề và lao động làm thuê nhưng chưa được điều chỉnh của Bộ luật lao động.
Hiện nay, đối với khu vực chính thức, các chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc được triển khai tương đối ổn định, trong khi đó khu vực không chính thức, khu vực nông thôn việc triển khai chính sách BHXH, BHYT còn gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, việc khuyến khích người lao động tham gia BHXH tự nguyện có tầm quan trọng đặc biệt (vì đối tượng lao động thuộc diện tham gia BHXH  bắt buộc chiếm tới gần 80% lực lượng lao động). Hệ thống BHXH tự nguyện có thu hút được rộng rãi người lao động tham gia thì hệ thống an sinh xã hội ở nước ta mới thực sự vững chắc.
Việt Nam là một nước đang phát triển, lao động khu vực phi chính thức và lao động trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ trọng cao (khoảng 70% lực lượng lao động của cả nước). Khu vực không chính thức đã “gánh đỡ” nhiều cho nền kinh tế của nước ta trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế vừa qua (khi khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp thuộc khu vực chính thức bị phá sản hoặc cắt giảm nhân công, người lao động buộc phải chuyển sang khu vực phi chính thức). Lực lượng lao động này đã góp phần quan trọng vào an ninh lương thực quốc gia, sản xuất các sản phẩm hàng hóa phục vụ dân sinh và cho xuất khẩu, tạo nhiều việc làm cho người lao động…), giúp tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, cải thiện về điều kiện lao động, tăng thu nhập. Bởi vậy, thực hiện tốt chính sách BHXH tự nguyện sẽ giảm áp lực người lao động muốn vào khu vực kinh tế chính thức, đảm bảo rộng rãi hơn quyền và nghĩa vụ tham gia BHXH cho người lao động và bình đẳng cho mọi người lao động.
Chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện đã được triển khai thực hiện từ năm 2008. Tuy nhiên, cho đến nay, con số tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn là rất nhỏ. Nguyên nhân số lượng người tham gia BHXH tự nguyện ở nước ta còn ít là do: trình độ học vấn và nhận thức xã hội còn nhiều hạn chế; lao động phần lớn chưa qua đào tạo; việc làm bấp bênh; thu nhập thấp là những vấn đề ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện BHXH tự nguyện cho người lao động thuộc khu vực này.
Nếu không phát triển mạnh về số lượng người tham gia BHXH tự nguyện sẽ là một gánh nặng đối với quốc gia trong những năm tới do một mặt phải đảm bảo cuộc sống cho những người già chưa có lương hưu, mặt khác phải đối phó với xu hướng già hóa dân số nhanh chóng hiện nay ở nước ta.. Tuy nhiên việc phát triển BHXH tự nguyện còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là sự hấp dẫn hay sự phù hợp của bản thân chính sách này đối với người lao động khu vực phi chính thức và lao động nông, lâm, ngư nghiệp là một vấn đề cần xem xét. Trong hoàn cảnh đất nước đang bước sang nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực; Đảng và Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến các chính sách của bảo hiểm xã hội tự nguyện dành cho những người lao động khu vực phí chính thức.
 

 


Số người truy cập: 30249046

Trường đại học lao động xã hội

43 Trần Duy Hưng - Trung Hòa - Cầu Giấy - Hà Nội - ĐT :043.5564584 - Fax:043.5564584 In trang này

Giấy phép thiết lập Website trên Internet số 348/GP-BC ngày 23/11/2006 của Cục Báo Chí - Bộ Văn Hóa - Thông Tin.