Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Lao động – Xã hội lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020 - 2025

Đào tạo-Quy định đào tạo

Đào tạo bồi dưỡng giảng viên trẻ
(21/03/2012)

             Khoa Bảo hiểm được thành lập ngày 01/03/2005 theo quyết định số 155/QĐ-LĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội; là một trong những khoa có tuổi đời trẻ của trường Đại học Lao động – Xã hội. Do vậy, một trong những đặc trưng của Khoa Bảo hiểm là phần lớn đội ngũ giảng viên có tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ nên có ưu điểm là sự nhiệt tình trong công việc, nhạy bén và sáng tạo trong giảng dạy cũng như trong nghiên cứu khoa học; tuy nhiên cũng có những điểm hạn chế nhất định tác động đến hiệu quả công việc đó là: thiếu kinh nghiệm trong giảng dạy, cũng như hạn chế về phông kiến thức, đặc biệt là phông kiến thức thực tế để sử dụng trong công tác giảng dạy. Một thực tế là để giải quyết được hai điểm hạn chế này cần phải có thời gian dài để đội ngũ giảng viên trẻ có thể tích lũy được kinh nghiệm và phông kiến thức thực tế; tuy nhiên yêu cầu từ thực tiễn ngày một cao đòi hỏi giảng viên phải không ngừng cải thiện mình và rút ngắn thời gian để đáp ứng được yêu cầu trong công việc. Đứng trước thực trạng đó, Ban Lãnh đạo Khoa Bảo hiểm đã nghiên cứu và thực hiện một số giải pháp để giúp cho đội ngũ giảng viên khoa Bảo hiểm nhanh chóng hoàn thiện những điểm còn hạn chế để đáp ứng và nâng cao hiệu quả trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Thứ nhất đối với vấn đề thiếu kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy:

          Trên thực tế, để giải quyết được vấn đề này, các giảng viên trẻ sẽ thực hiện qua hai cách:

-         Một là: Tự tích lũy kinh nghiệm và phương pháp qua quá trình giảng dạy và nghiên cứu.

-         Hai là: Học tập từ những giảng viên đi trước và có nhiều kinh nghiệm thực tế.

Đối với cách thứ nhất, nếu giảng viên trẻ chỉ tích lũy kinh nghiệm qua thực tế quá trình giảng dạy của mình thì sẽ đòi hỏi cần có thời gian rất dài; bên cạnh đó bản thân những giảng viên trẻ chưa có kinh nghiệm để tự nhận ra những thiếu sót và nhược điểm của mình là rất khó; như chúng ta đều biết giai đoạn chuyển từ “Không biết rằng mình không biết gì” chuyển sang giai đoạn “Biết rằng mình không biết gì” là khó nhất. Vì vậy, cách nhanh nhất có thể rút ngắn được thời gian và có hiệu quả, là nhờ những người có kinh nghiệm giúp mình nhận ra yếu điểm của mình để hoàn thiện. Để đạt được mục tiêu này có rất nhiều cách để thực hiện; hiện tại khoa Bảo hiểm thường thực hiện theo hai cách:

-         Bản thân giảng viên trẻ chủ động  mời các giảng viên có kinh nghiệm đi nghe mình giảng: Trong các buổi sinh hoạt Bộ môn và họp giao ban khoa Lãnh đạo khoa và Bộ môn trao đổi trực tiếp với các giảng viên về cách thức này, giới thiệu cho giảng viên trẻ biết được các thế mạnh của các giảng viên có kinh nghiệm trong khoa để giảng viên trẻ có thể lên kế hoạch, lựa chọn để mời trực tiếp các giảng viên có kinh nghiệm đi dự giờ.

-         Lãnh đạo khoa, Bộ môn chủ động phân lịch đi dự giờ các giảng viên trẻ: Ngoài nội dung công tác dự giờ thăm lớp theo kế hoạch; Lãnh đạo khoa, bộ môn sẽ chủ động lên kế hoạch đi dự giờ, thăm lớp đối với các giảng viên trẻ. Hoạt động này có thể thực hiện theo hai cách: Lên kế hoạch và thông báo trước cho giảng viên trẻ; hoặc Lãnh đạo khoa bộ môn chủ động lên lớp quan sát từ bên ngoài, vào lớp dự giờ và thu thập thông tin qua sinh viên. Đây là hoạt động được Lãnh đạo khoa Bảo hiểm thực hiện một cách thường xuyên, và có tần suất cao đối với những giảng viên mới được tuyển dụng.

Sau mỗi buổi đi dự giờ, sẽ thực hiện trao đổi, góp ý trực tiếp đối với giảng viên; đồng thời sẽ nêu ra cụ thể những vấn đề hoặc nội dung mà giảng viên trẻ cần phải chỉnh sửa hoặc thay đổi; những nội dung này sẽ được ghi lại trong sổ nhật ký dự giờ của giảng viên. Điều này sẽ giúp cho người đi dự giờ và giảng viên tự đánh giá về sự chuyển biến của giảng viên. Nếu có nhiều giảng viên cần hoàn thiện cùng một nội dung, khoa sẽ tổ chức lớp đào tạo chuyên sâu về vấn đề đó.

Đối với cách thứ hai học tập từ những thầy cô có kinh nghiệm. Như tất cả chúng ta đều biết, con đường ngắn nhất dẫn đến thành công chính là bằng cách học hỏi và “coppy” nguyên bản của những người đã thành công. Tại khoa Bảo hiểm, hoạt động này được coi là công việc bắt buộc của giảng viên trẻ trong hai năm đầu tiên sau khi được tuyển dụng; định mức đặt ra cho mỗi giảng viên trẻ mỗi một học kỳ tối thiểu phải đi nghe giảng được đầy đủ 2 môn học của hai giảng viên có kinh nghiệm.

Giảng viên có thể chủ động lựa chọn các thầy cô có kinh nghiệm trong giảng dạy các môn học trong Bộ môn, cũng như trong khoa để đăng ký xin đi nghe giảng. Thông qua việc đi nghe giảng này giảng viên vừa tích lũy được kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy đồng thời tích lũy thêm kiến thức của các môn học trong bộ môn để phục vụ cho công tác giảng dạy các môn học đó. Ngoài việc giảng viên chủ động đăng ký đi nghe giảng, Lãnh đạo khoa, Bộ môn sẽ chủ động phân công các giảng viên trẻ đi nghe giảng các giảng viên khác trong khoa. Để đảm bảo được hiệu quả của hoạt động này, yêu cầu đặt ra cho tất cả các giảng viên trẻ là đi nghe giảng với thái độ cầu thị, nghiêm túc, tham gia đầy đủ các buổi giảng của môn học và giảng viên đã đăng ký nghe giảng; đồng thời các giảng viên đều phải ghi nhật ký nghe giảng và có báo cáo định kỳ về kết quả thu nhận được.

Đồng thời với việc lên kế hoạch cho các giảng viên trẻ đi nghe giảng, khoa Bảo hiểm thường xuyên tổ chức các buổi đào tạo tập trung cho các giảng viên trong khoa theo các nội dung chuyên sâu về phương pháp giảng dạy, kỹ năng xử lý tình huống nghiệp vụ sư pháp, cũng như về kiến thức chuyên môn đối với từng chuyên ngành và môn học. Việc tổ chức đào tạo tập trung sẽ giúp cho các giảng viên trẻ không chỉ thu nhận được những kiến thức về mặt lý thuyết mà còn giúp cho giảng viên có được cơ hội thực tập và thực hành giảng dạy và xử lý các tình huống được nêu ra trong quá trình đào tạo. Hoạt động này đã được khoa Bảo hiểm đưa vào kế hoạch công tác hàng năm và tổ chức trung bình 5 khóa đào tạo trong mỗi năm, đặc biệt trong năm 2009-2010 khoa Bảo hiểm đã tổ chức được 11 khoa đào tạo cho giảng viên trong khoa.

Thứ hai đối với vấn đề thiếu phông kiến thức thực tế:

Kiến thức thực tế có vai trò hết sức quan trọng đối với tất cả các công việc và đặc biệt quan trọng đối với công tác giảng dạy tại các trường đại học và cao đẳng. Phông kiến thức thực tế không chỉ giúp cho giảng viên có được một tiết giảng lôi cuốn, sinh động và hấp dẫn sinh viên mà còn giúp cho sinh viên rút ngắn được khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế cũng như vận dụng lý thuyết vào thực tiễn ngay trong tiết giảng.

Thông thường để có được phông kiến thức thực tế, giảng viên có thể thực hiện qua hai cách:

-         Bản thân giảng viên tự mình trải nghiệm trong công việc thực tế.

-         Đọc, tìm hiểu và nghiên cứu các tình huống thực tế liên quan đến môn học qua các

Khoa Bảo hiểm thực hiện đào tạo sinh viên với hai chuyên ngành là Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm thương mại; do vậy việc trải nghiệm qua thực tế đòi hỏi giảng viên sẽ phải xuống thực tế tại các doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp và cơ quan quản lý về BHXH và BHTM. Để tạo điều kiện cho các giảng viên, khoa Bảo hiểm đã chủ động liên hệ và đặt vấn đề với các doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp để giảng viên có thể xuống nghiên cứu tìm hiểu thực tế. Ngoài việc xuống nghiên cứu tìm hiểu thực tế tại các doanh nghiệp và cơ quan BHXH các cấp, khoa BH đặt vấn đề với Vụ BHXH – Bộ LĐTB&XH để giảng viên được tham gia các buổi tiếp dân trả lời các thắc mắc và khiếu nại về chế độ BHXH từ đó giúp cho giảng viên cập nhật và bổ sung thêm những kiến thức hết sức thực tế để phục vụ cho công tác giảng dạy.

Kiến thức thực tế mà mỗi giảng viên có được không chỉ thông qua việc trải nghiệm từ thực tế, mà còn có thể có được thông qua việc cập nhật thông tin, cóp nhặt và nghiên cứu các tình huống thực tế thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời với việc thường xuyên nhắc nhở và động viên các giảng viên trong khoa chủ động tìm kiếm và cập nhật thông tin; khoa Bảo hiểm đã đưa nội dung này vào kế hoạch công việc của mỗi giảng viên trong khoa; Nhiệm vụ này được giao trách nhiệm cho các Trưởng Bộ môn phân công cho mỗi giảng viên chuyên trách thu thập các mảng thông tin khác nhau, sau đó Bộ môn sẽ thực hiện tổng hợp thành cơ sở dữ liệu chung của khoa để các thành viên có thể khai thác. Bên cạnh đó, khoa Bảo hiểm thực hiện phân công các nhóm giảng viên tìm hiểu, nghiên cứu theo từng chủ đề cũng như các tình huống thực tế về BHXH và BHTM để định kỳ hàng tháng báo cáo và tổ chức thảo luận chia sẻ với các giảng viên trong khoa.

Sau một thời gian triển khai hoạt động này, khoa Bảo hiểm bước đầu đã có được một cơ sở dữ liệu chung về các thông tin cũng như các tình huống thực tế liên quan đến kiến thức bảo hiểm để phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy; và quan trọng hơn cả là đã tạo ra được thói quen thường xuyên cập nhật thông tin của mỗi giảng viên khoa Bảo hiểm.

Nhà giáo có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục. Đội ngũ giáo viên trẻ là một bộ phận quan trọng trong lực lượng sư phạm của các khoa nói riêng và của nhà trường nói chung; phần lớn đội ngũ giảng viên trẻ đều được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh chính trị vững vàng, hầu hết có nhiệt huyết và lòng yêu nghề , có đạo đức, lối sống lành mạnh, nhạy bén và có khả năng tiếp thu nhanh tri thức khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại vào tổ chức quá trình dạy học. Vì vậy việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng góp phần định hướng và bổ sung kịp thời những mặt còn thiếu để giúp cho đội ngũ giảng viên trẻ sẵn sàng đáp ứng được nhiệm vụ và đòi hỏi của thực tế trong công tác đào tạo; qua đó sẽ giúp cho mỗi giảng viên tự xây dựng được thương hiệu cho cá nhân mình, đồng thời tạo dựng thương hiệu cho khoa và góp phần vào công cuộc tạo dựng thành công thương hiệu Trường Đại học Lao động – Xã hội.

 

 

 

 

 

 

 


Số người truy cập: 27474239

Trường đại học lao động xã hội

43 Trần Duy Hưng - Trung Hòa - Cầu Giấy - Hà Nội - ĐT :043.5564584 - Fax:043.5564584 In trang này

Giấy phép thiết lập Website trên Internet số 348/GP-BC ngày 23/11/2006 của Cục Báo Chí - Bộ Văn Hóa - Thông Tin.